Sáng ngày 17/5/2018, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ (KHCN) ngành Thông tin và Truyền thông năm 2018 với chủ đề: “Nghiên cứu, phát triển sản phẩm ICT hướng tới CMCN 4.0”. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm và đại diện của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ KHCN, các nhà khoa học, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc ngành TTTT.
Hội nghị KHCN ngành TTTT là Hội nghị thường niên của Bộ tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày KHCN Việt Nam (18/5) và Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (17/5). Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích định hướng chính sách của Bộ TT&TT để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết, Bộ TTTT luôn xác định rằng hoạt động KHCN là nền tảng để có thể sản xuất ra được những sản phẩm công nghệ hiện đại. Bộ luôn khuyến khích các đơn vị nghiên cứu trong Ngành tham gia các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc các chương trình KHCN cũng như các nhiệm vụ độc lập. Đến nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ đang thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp các vấn đề về cơ sở lý luận phục vụ quản lý nhà nước, các vấn đề về phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực TTTT.
Tại Hội nghị, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo tình hình và kết quả các hoạt động KHCN trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2016-2018, đồng thời đưa ra định hướng, biện pháp tổ chức thực hiện hoạt động KHCN ngành TTTT hướng tới CMCN 4.0 trong thời gian sắp tới.
Trong giai đoạn 2016 – 2018, ngành TTTT đã đạt được một số kết quả nổi bật như:
– Nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và xác định các cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước, đóng góp cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn phụ vụ xây dựng và thực thi các Luật, Nghị định trong lĩnh vực TTTT, các quy hoạch phát triển Ngành…
– Một số nghiên cứu mang tính đón đầu công nghệ mới cũng như chú trọng triển khai nhằm xây dựng chính sách quản lý phù hợp và kịp thời cũng như các vấn đề về công nghệ mới (CNTT di động thế hệ thứ 5; AI, kinh tế số, blockchain…).
– Nghiên cứu, định hướng xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) ở Việt Nam theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10384/VPCP-KGVX ngày 1/12/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng ĐTTM bền vững trên thế giới và Việt Nam. Bộ TTTT đã ban hành văn bản số 58/BTTTT-KHCN ngày 10/01/2018 về việc hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về CNTT-TT trong xây dựng ĐTTM ở Việt Nam gửi tất cả các địa phương trên cả nước với mục đích thống nhất trong cách hiểu và thực hiện từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững. Bộ TTTT cũng đang nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số (KPI) về ĐTTM và hướng dẫn áp dụng thống nhất (dự kiến công bố trong năm 2018).
– Nghiên cứu, định hướng thích ứng với CMCN 4.0 ở Việt Nam theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Theo đó, Bộ TTTT đã đặt hàng và chỉ đạo thực hiện các đề tài nghiên cứu về ĐTTM, an toàn thông tin, công nghệ ICT mới; xu hướng tiếp cận công nghệ trong CMCN 4.0… Bộ cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí, truyền thông; đồng thời; xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ tuyên truyền về CMCN 4.0 và xây dựng ĐTTM ở Việt Nam; phối hợp với một số cơ quan ccủa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu; các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức thành công 03 Hội thảo lớn về CMCN 4.0 bao trùm nhiều lĩnh vực hạ tầng băng rộng, quản lý tần số, đào tạo và nghiên cứu khoa học; đã cử đại diện tham gia và trình tham luận tại nhiều hội nghị, hội thảo về CMCN 4.0, xây dựng đô thị thông minh; nhiều tin, bài về chủ đề CMCN 4.0 đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, trang thông tin của Ngành. Bộ cũng đang tham gia cùng Ban kinh tế Trung ương xây dựng Đề án CMCN 4.0 ở Việt Nam.
Một số khó khăn, vướng mắc vẫn còn tồn tại trong cơ quan quản lý KHCN của Bộ như thủ tục thực hiện các chương trình, đề án quốc gia về KHCN còn phức tạp, các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ chủ yếu vẫn có tính chất phục vụ tăng cường quản lý nhà nước chuyên ngành. Đối với các đơn vị tham gia nghiên cứu KHCN, năng lực nghiên cứu còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực là một vấn đề quan ngại và đáng quan tâm. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện và quản lý Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, cần có thêm hướng dẫn cụ thể và cơ chế, cách thức khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm, tham gia và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển.
Chính vì vậy, một số biện pháp tổ chức thực hiện đã được đưa ra như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KHCN chuyên ngành TTTT; tăng cường việc trao đổi thông tin về hoạt động KHCN với các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp để gắn kết các nội dung nghiên cứu; khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia theo các chương trình KHCN và nhiệm vụ KHCN độc lập cấp Nhà nước khác với các nội dung nghiên cứu trong lĩnh vực TTTT; với các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ khuyến nghị tập trung và nhiệm vụ nghiên cứu cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, chuẩn hóa và các dự án đầu tư phát triển; các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cần tiếp tục đề xuất các nội dung nghiên cứu phù hợp với định hướng nghiên cứu hướng tới làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng, công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0…
Bên cạnh những thông tin chung về hoạt động KHCN của ngành TTTT, Hội nghị cũng được nghe các diễn giả đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ hàng đầu Việt Nam trình bày với các nội dung xoay quanh những vấn đề nóng như: Chuyển đổi số; Lựa chọn sản phẩm trọng điểm về công nghệ CNTT-TT; Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0; Các sản phẩm M2m/IoT hướng đến CMCN 4.0; Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp và nhà nước để tăng cường đảm bảo an ninh an toàn thông tin quốc gia; Triển khai nền tảng trí tuệ nhân tạo để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp… Các đơn vị đều khẳng định rằng Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào CMCN 4.0 và sẽ có nhiều bứt phá trong thời gian tới.
Thiên Ngân