Nhằm thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng khung pháp lý, chính sách khuyến khích và thúc đẩy Dữ liệu mở Việt Nam”, ngày 11/01/2018, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (Viện CNPM) đã chủ trì tổ chức phiên họp tiếp theo với nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng khung pháp lý, chính sách khuyến khích và thúc đẩy Dữ liệu mở Việt Nam nhằm lấy ý kiến về phương án khảo sát đánh giá thực trạng về dữ liệu mở tại các cơ quan nhà nước.
Tham dự phiên họp có các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông: Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Công nghệ Thông tin, Cục Tin học hóa; các đơn vị đến từ các Bộ, Ngành khác: Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu – Bộ Tài nguyên và môi trường, Vụ Thư Viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm tin học Thống kê,…; một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở: Ông Lê Trung Nghĩa – Chủ tịch hội đồng tư vấn chuyên môn – Trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc gia về công nghệ mở, Ông Cao Kim Ánh – Chủ tịch Hiệp hội tác giả phi hư cấu Việt Nam, Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện chính sách và phát triển truyền thông – Hội truyền thông số Việt Nam, Ông Nguyễn Thế Hùng, Ông Trương Anh Tuấn – đồng Phó Chủ tịch Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam, Ông Đỗ Ngọc Minh – Giám đốc tổ chức The Vietnamfoundation và Lãnh đạo Viện CNPM cùng các cán bộ phòng Nghiên cứu Kinh tế – Chính sách của Viện.
Tại phiên họp, các chuyên gia tiếp tục khẳng định sự xây dựng chính sách dữ liệu mở quốc gia là việc làm đúng hướng và hiện nay tổ chức Worldbank cũng đang bắt đầu tiến hành khảo sát về việc mở dữ liệu tại Việt Nam. Đây thực sự là công việc được nhiều nước trên thế giới thực hiện có hiệu quả, có tác động lớn đến hoạt động kinh tế, xã hội. Việc phổ biến dữ liệu sẽ thúc đẩy các nghiệp vụ khai thác dữ liệu, tạo động lực cho phát triển kinh tế nói chung và ngành phần mềm và nội dung số nói riêng.
Cũng tại Phiên họp, đại diện Viện CNPM đã trình bày dự thảo phương án khảo sát đánh giá thực trạng về dữ liệu mở tại các Bộ ngành. Các chuyên gia đã cho ý kiến về phương án khảo sát khảo sát nhằm mục đích tìm hiểu hiện trạng sử dụng, các chính sách, văn bản pháp luật của các Bộ, ban ngành về dữ liệu mở, qua đó xác định những bất cập, khó khăn của các Bộ trong quá trình triển khai dữ liệu mở để đưa ra khuyến nghị và giải pháp chính sách cho các Bộ về việc triển khai mở rộng dữ liệu mở trong giai đoạn tiếp theo.
Xoay quanh nội dung cần khảo sát, Ông Cao Kim Ánh nhấn mạnh rằng đa số các Bộ, ngành chưa hiểu rõ thế nào là dữ liệu mở, chính vì thế cần phải tìm hiểu về nhận thức của các đơn vị về Dữ liệu mở, sau đó cần phải nắm rõ được quy trình mở dữ liệu tại các Bộ, ngành như thế nào.
Đồng quan điểm với Ông Cao Kim Ánh, chuyên gia Lê Trung Nghĩa cũng cho rằng đa phần hiện nay các tổ chức chưa nắm rõ về dữ liệu mở vì chưa có quy định rõ ràng. Ông cũng cho rằng hiện nay một số đơn vị chưa mở dữ liệu có thể vì còn lo sợ về sở hữu trí tuệ nên chưa công bố các thông tin rộng rãi.
Là các đơn vị chức năng tham mưu, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông lại cho rằng cần thiết phải nắm được hiện nay các đơn vị, Bộ, ngành công bố dữ liệu căn cứ theo các chính sách, văn bản liên quan nào và cách thức triển khai ra sao?
Trên thực tế, Dữ liệu mở mang lại rất nhiều lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học thông qua sự thuận tiện khi tiếp cận các thông tin hợp nhất từ nhiều kho dữ liệu khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đơn vị nào sẽ đưa các dữ liệu mở ra tới công chúng một cách chính xác thì cần phải nghiên cứu kỹ để khảo sát cho đúng mục đích.
Phiên họp cũng đã nhất trí thông qua danh sách chính thức của Tổ chuyên gia tư vấn nghiên cứu xây dựng các quy định pháp luật về dữ liệu mở và đề cử Ông Lê Trung Nghĩa làm tổ trưởng, Phòng Nghiên cứu Kinh tế – Chính sách trực thuộc Viện CNPM sẽ là đơn vị hỗ trợ, phối hợp.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Minh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện CNPM tiếp tục đánh giá cao ý kiến trí tuệ tập thể chuyên gia, đề nghị các chuyên gia hỗ trợ khảo sát về Dữ liệu mở tại các Bộ, ngành. Dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành, Viện sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo đầy đủ về dữ liệu mở sau khi tiến hành khảo sát, phân tích số liệu và đưa ra các đề xuất định hướng cho việc xây dựng chính sách quốc gia về Dữ liệu mở cho Việt Nam.
Tài liệu tham khảo xem tại: Khảo sát Open Data
Thiên Ngân